Vai trò của cây dừa đối với nền kinh tế Bến Tre
Nhiều người thắc mắc vì sao cây dừa được mệnh danh “Cây của cuộc sống” (Tree of life); trong khi phần lớn những người trồng dừa đều sống trong cảnh nghèo khổ.
Ngay cả những cường quốc về dừa như Philippines, Indonesia, India với quy mô 10 triệu ha, chiếm trên 80 % dừa thế giới mà hơn 2/3 nông dân trồng dừa của họ phải sống dưới mức nghèo khổ. “Đó là một điều mĩa mai” một câu nói mà Tiến sĩ William Dar Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đương nhiệm Philippines thường phát biểu khi nói về nền nông nghiệp của quốc gia mình.
Đúng vậy, Dừa, một thành viên của loài cọ và với nhiều tên gọi là “Viên Ngọc của vùng nhiệt đới”; Cây của sự sống, cây Thịnh vượng và trong tiếng Phạn, Kalpa Vriksha được biết đến như là “Cây Mang lại tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống”. Khi được tôn vinh với những tên gọi mỹ miều đó, phần lớn các nhà nghiên cứu chỉ thể hiện ở khái niệm “Cây của 101 công dụng”. Không chỉ là cây lương thực bền vững; mọi bộ phận của cây dừa đều hữu ích cho nhân loại bao gồm rễ, thân, lá, vỏ, xơ, quả, nước, nhựa cây, dầu, sữa và thịt dừa. Từ chăm sóc da đến chất tẩy rửa gia dụng cao cấp, đồ chơi cho trẻ em, hàng may mặc và phụ kiện thời trang, trang trí nội thất, thảm, đồ dùng, thiết bị chiếu sáng, giỏ, hộp tiện ích, bàn và ghế, vật liệu xây dựng, mỹ phẩm, dược phẩm, dụng cụ y tế, vật liệu làm vườn, nệm, rèm, vải bọc, thức ăn cho gia súc, than bánh, thiết bị lọc dựa trên carbon và nhiên liệu diesel sinh học và hằng trăm sản phẩm khác thiết thực cho cuộc sống con người đều ít, nhiều có nguồn gốc từ dừa….không thể kể xiết.!
Nếu căn cứ vào mức thu nhập của nông dân trồng dừa để xem xét vai trò một sản phẩm thì e rằng là chưa đầy đủ. Cần xem xét thêm vai trỏ của nó trong việ thực hiện các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ nhất định về phát triển kinh tế của một nước, vùng lãnh thổ hay một địa phương, tỷ trọng của sản phẩm trong cơ cấu các ngành; nhịp độ tăng trưởng tỷ lệ giá trị gia tăng; vị trí chi phối và ảnh hưởng đến sự phát triển đối với các sản phẩm khác; sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Như vậy, xét về mặt kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, tầm chiến lược… thì tất cả những giá trị gia tăng của cây dừa tại tỉnh Bến Tre thể hiện ở mặt nào?
Trong các loại cây lâu năm thì cây dừa là cây tuyệt vời nhất trên hành tinh này bởi tính siêng năng cần mẫn của nó, trong thời kỳ trưởng thành, cây dừa ra hoa kết trái liên tục mang để lại hương vị cho đời. Không giống những cây lâu năm khác (như cây ăn quả) là sau thời gian cho trái, cây có một thời gian dài để “xả hơi dưỡng sức”. Chính vì vậy, sản phẩm được tạo ra từ nó có thể kéo theo một ngành công nghiệp chế biến họat động quanh năm. Hơn thế nữa nó lại không kén chọn đất, vùng đất nào cây dừa cũng có thể thích hợp, đến nỗi các nhà thực vật học không biết một cách chính xác quê hương nó là nơi nào so với hàng ngàn loài thực vật khác, trái dừa cứ trôi dạt muôn phương theo nước biển mà đến một vùng đất mới.
Trong lãnh vực sinh thái môi trường, có nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển cây công nghiệp này vào thuộc nhóm cây ăn quả, hay cây lâm nghiệp. Thật vậy, đã có một thời kỳ ngành thống kê Việt Nam đã xếp nó vào danh mục cây ăn quả. Thôi thì nhóm nào cũng được vì tính đa năng của nó, nhưng trong lãnh vực môi trường sinh thái, vườn dừa là những “bể chứa carbon” tiềm năng có thể giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu nó có khả năng lưu trữ cacbon trung bình là 24,1 tấn Carbon/ha mỗi năm. So với các loại cây trồng khác thì canh tác dừa, nhất là vùng Đồng bằng Cửu Long thì liều lượng vật tư nông nghiệp được sử dụng thấp, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, chính vì vậy việc xây dựng Chứng nhận hữu cơ rất thuận lợi. Trong điều kiện không còn lao động ở nông thôn thì cây dừa tỏ ra thích nghi nhất đến nỗi nó lại đưa ra ra một kết quả vô cùng ngạc nhiên khác là tỷ suất lợi nhuận cao nhất, gần 300% vì chỉ bỏ vào khoảng 100 công lao động/ha/ năm.
Khi nguyên liệu dừa trái đưa vào chế biến thì giá trị của nó tăng lên gấp nhiều lần. Bột sữa dừa cao gấp 4 lần cơm dừa nạo sấy, sữa dừa có giá trị cao gấp 2 lần; kem dừa có giá trị cao gấp 2 lần; dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 10 lần dầu dừa thô; còn nước dừa đóng hộp có giá trị cao gấp 300 lần so với nước dừa tươi truyền thống, thật không thể tin nỗi! Trong quá trình đó cây dừa đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm ngàn lao động trong gần 2.000 doanh nghiệp, cơ sở chế biến dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, tất cả sản phẩm này đã chiếm 12% giá trị sản lượng công nghiệp toàn tỉnh, tạo ra kim ngạch xuất khẩu 297 triệu USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 16% so với 2018 và dự kiến đạt 306 triệu USD vào năm 2020, không bị ảnh hưởng lớn về mặt thị trường khi có dịch COVID -19 như nhiều loại sản phẩm khác đã phải giảm sút mạnh. Từ nền tảng Chứng nhận Dừa Hữu cơ một số doanh nghiệp lớn tại Bến Tre đã có những chứng nhận như ISO 22000: 2005, HACCP, HALAL, KOSSHER, BRC, GMP, được cơ quan FDA của Hoa Kỳ cấp mã số FDA và SID nhờ vậy thị trường xuất khẩu sản phẩm dừa của VN đã có mặt gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và ngày càng đi vào thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như Châu Âu, Mỹ, Trung Đông.
Khi triển vọng về nguồn nước sông Cửu Long cho một số cây trồng đặc sản không còn khả quan nữa thì cây dừa sẽ là một cây có nhiều lợi thế phát triển mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao để đáp ứng cho một cuộc khủng hoảng thiết hụt dừa trong vài thập kỷ tới vì khoản thâm thụt cung-cầu 10% của thị trường thế giới.
Công ty TNHH SX TM XK HẢI ĐĂNG là một công ty chuyên sản xuất: Dầu dừa, cám dừa và cung cấp các sản phẩm về dừa ( trái dừa tươi , trái dừa khô thủ công Mỹ nghệ, chỉ sơ dừa, mụn dừa, gáo dừa, than gáo dừa….) luôn đề cao tinh thần hợp tác toàn diện, với phương châm: ”Lợi ích thì hài hòa, khó khăn thì chia sẻ” để cùng nhau phát triển bền vững.
Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0971.169.513 để được hỗ trợ và tư vấn về sản phẩm Dừa Bến Tre chính hiệu.